Chắc hẳn rất nhiều bậc cha mẹ có con 2 tuổi đã không ít lần đau đầu với chúng. Ở giai đoạn này, trẻ có nhiều thay đổi về vận động, trí tuệ, cảm xúc. Chúng có nhiều hành vi bướng bỉnh, cáu gắt khi cha mẹ không làm theo ý mình. Điều này là hết sức bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ, được gọi là “khủng hoảng tuổi lên 2”
Tìm hiểu ngay thế nào là khủng hoảng tuổi lên 2 và biện pháp cùng con vượt qua thời kỳ này một cách nhẹ nhàng bố mẹ nhé!
Table of Contents
1. Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Khủng hoảng tuổi lên 2, còn được gọi là “Terrible Twos”, được bắt đầu từ những cơn cáu gắt, giận dữ thường xuyên của bé, thường xuất hiện từ khi trẻ 18 tháng đến 30 tháng tuổi, có thể kéo dài đến khi chúng 3 tuổi.
Đây là một giai đoạn phát triển tự nhiên, bình thường ở trẻ nhỏ, có sự chuyển biến tâm lý rõ rệt, hay “ăn vạ”, la hét, nói “không” với những điều chúng không thích, có xu hướng “bạo lực” như cào cấu, đấm đá mọi người xung quanh.
2. Nguyên nhân xuất hiện khủng hoảng tuổi lên 2
Theo các chuyên gia tâm lý, ở bất kỳ độ tuổi nào trẻ đều có những khủng hoảng tâm lý riêng, tuy nhiên “Terrible Twos” được nhắc đến nhiều nhất bởi nó xảy ra ở hầu hết mọi trẻ.
Khủng hoảng tuổi lên 2 thường xảy ra ở hầu hết mọi trẻ
Ở giai đoạn này, trẻ có sự thay đổi lớn về thể chất, trí tuệ, bắt đầu có những suy nghĩ, mong muốn riêng, muốn khám phá xung quanh. Tuy nhiên, do ở thời điểm này, trẻ còn đi lại chưa vững, kỹ năng nói cũng chưa phát triển tố, do đó nhiều lúc chúng bị thất vọng, thậm chí la hét vì không thể hiện được điều mình muốn nói. Hoặc là khi trẻ háo hức làm điều gì đó nhưng nhận ra rằng phải tuân theo những quy tắc của người lớn đặt ra mà chúng không hề muốn tuân thủ.
Chính những điều này đã dẫn đến hành vi không phù hợp, mất kiểm soát, cơn cáu gắt của trẻ, được gọi là khủng hoảng tuổi lên 2.
3. Dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 2
Các biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2 rất đa dạng và khác nhau ở từng trẻ nhưng hầu hết các bé thường có những biểu hiện sau đây:
Cáu gắt, khó chịu khi người lớn không hiểu ý
Bé có thể cáu gắt, khó chịu, nằm lẩn ăn vạ, la hét ầm ỹ, khóc nhè mà không vì lý do đặc biệt gì cả.
Trẻ hay khóc và phản ứng dữ dội vì những điều đơn giản với người lớn nhưng lại là một trở ngại lớn với chúng như không mặc được quần, không lấy được đồ vật ở trên cao…
Trẻ thường khóc, la hét khi người lớn không hiểu ý
Những phản ứng dữ dội của trẻ nhỏ là do trí tuệ đã phát triển, bắt đầu nhận thức được nhiều điều hơn nhưng không thể hiện được bằng hành động, lời nói để người lớn hiểu mình.
Theo các chuyên gia tâm lý học học, đây là sự mâu thuẫn giữa năng lực và nhu cầu của trẻ, khi trẻ không đủ năng lực diễn đạt nhu cầu mong muốn. Khi bé có thể biểu hiện nhu cầu của mình tốt hơn, cơn giận dữ sẽ bắt đầu giảm xuống.
Thích tự làm mọi thứ theo cách riêng
Bé muốn được làm mọi thứ từ những việc làm của người lớn mà chúng quan sát được như tự mặc quần áo, đi dép, tự xúc cơm, uống nước trong cốc…
Mặc dù vận động vẫn còn chưa tốt nhưng trẻ rất thích tự làm và được người lớn khen ngợi. Bé muốn được tự thực hành những điều mới học được. Trong quá trình này, mong rằng cha mẹ hãy khích lệ trẻ nhiều hơn và cho trẻ những sự giúp đỡ nhất định.
Bé muốn tự làm mọi thứ và được cha mẹ khen ngợi
Nói “không” nhiều hơn
Bé hiểu chuyện hơn và cũng biết nói “không” với những thứ mà chúng không muốn, chẳng hạn như không muốn đi ngủ sớm, không muốn đi tất, không muốn ăn cơm…
Đôi khi, ngay cả với đồ ăn trẻ yêu thích hay những việc mà ngày thường yêu thích chúng cũng nói “không” khiến người lớn cảm thấy khó khăn, bối rối không biết phải làm thế nào.
Bảo vệ đồ vật, lãnh thổ của mình
Trẻ đã bắt đầu hiểu hơn về mọi thứ cũng như quyền “sở hữu” của mình với một thứ đồ vật nào đấy. Bé sẽ sẵn sàng đánh nhau hay dùng mọi biện pháp để giành lại đồ vật của mình, đôi khi chỉ là một chiếc bát ăn cơm, đồ chơi đã lâu không đụng đến nhưng bố mẹ lại mang cho đứa trẻ khác, chiếc ghế bé thường xuyên ngồi ăn cơm hay chỗ nằm trên giường…
4. Đồng hành cùng trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2
Để cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này thật sự không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên nếu biết cách ứng xử khéo léo, cha mẹ sẽ giúp con vượt qua thời kỳ này một cách dễ dàng.
Hiểu và đồng cảm
Khi trẻ đang dần hình thành nhận thức, chúng luôn muốn được thừa nhận, cần được người lớn thấu hiểu và đồng cảm. Không nên quát mắng “Mẹ cấm”, “Hư quá”, “Nín ngay”, “Im ngay”…, hạn chế nói không với trẻ và sử dụng các hình phạt, đòn roi để răn đe trẻ.
Những hình thức cấm đoán sẽ làm trẻ cảm thấy khó chịu hơn, một số sẽ càng ngang bướng, khó bảo, có xu hướng bạo lực, một số khác thì trở nên tự ti, sợ sệt không dám làm gì vì sợ sai, bị người lớn mắng.
Cần lắng nghe, quan sát những hành động của trẻ, cố gắng thấu hiểu trẻ, giao tiếp với trẻ nhiều hơn sẽ giúp các bé cải thiện vốn từ, dễ giao tiếp với mọi người và thể hiện nhu cầu của bản thân tốt hơn.
Cha mẹ cần lắng nghe và thấu hiểu con nhiều hơn
Chú ý quan sát trẻ để ngăn ngừa cơn giận giữ tạm thời
Trước khi làm một việc gì đó, cha mẹ có thể hỏi ý kiến trẻ trước. Trẻ sẽ nhận được tín hiệu từ bạn và suy nghĩ xem có thích hay không, làm như thế nào.
Ví dụ, khi muốn cho trẻ ăn bánh, mẹ hãy hỏi trước “mẹ bóc bánh cho con nhé”, nếu trẻ nói không, mẹ nên khuyến khích trẻ, “bánh rất ngon”, “ăn thử 1 miếng”… để tạo động lực cho trẻ. Hoặc là khi thay đồ cho trẻ, mẹ sẽ hỏi trẻ thích áo quần màu gì, từ đó bé đưa ra lựa chọn của mình, không tức giận khi bị cha mẹ “áp đặt”
Ngoài ra, việc ba mẹ hỏi ý kiến trẻ cũng khiến trẻ cảm thấy được tôn trong như người lớn, và độc lập trong suy nghĩ hơn. Tuy nhiên, khi trẻ đang bối rối không biết phải lựa chọn như thế nào, cha mẹ cũng nên đưa ra gợi ý giúp bé dễ lựa chọn hơn.
Không áp đặt trẻ
Thay vì nói “con không được làm cái này”, “con phải làm cái kia”, các bậc phụ huynh nên gợi ý, khuyến khích, hướng dẫn trẻ, tạo cho trẻ sự yêu thích với một việc làm nào đó, cho bé tự do lựa chọn đồ chơi, đồ vật mình thích.
Cha mẹ cũng nên tạo điều kiện để con được tự thực hiện những việc đơn giản phù hợp với khả năng như tự ăn bánh, uống nước, nhặt đồ chơi…
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự làm những việc đơn giản
Khủng hoảng tuổi lên 2 khiến nhiều cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu vì những hành động của con. Tuy nhiên, đây là một giai đoạn trong sự phát triển của con. Cha mẹ hãy cố gắng thấu hiểu và quan sát, cùng bé yêu vượt qua giai đoạn này nhé.