Người rối loạn nhịp tim nên ăn gì, kiêng gì?
Người bị bệnh tim mạch cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày bởi theo nghiên cứu chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp điều trị và phòng ngừa bệnh nặng hơn. Đối với người bị rối loạn nhịp tim thể nhẹ và vừa thì việc điều trị luôn ưu tiên thay đổi lối sống và xây dựng chế độ ăn hợp lý đã có thể kiểm soát được bệnh. Ngay cả khi trường hợp nặng chế độ sinh hoạt khoa học cũng là điều không thể thiếu giúp giảm biến chứng nặng hơn có thể dẫn đến trụy tim mạch, đột quỵ, cũng như tử vong. Chính vì vậy những lưu ý về việc người rối loạn nhịp tim ăn gì và kiêng gì dưới đây bạn không thể bỏ qua.
Table of Contents
I. Người bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì?
1. Bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất
Các nguyên tố vi lượng cho cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nếu như bị thiếu hụt chính là nguyên nhân dẫn đến một số rối loạn trong cơ thể trong đó có rối loạn nhịp tim.
Trong các loại khoáng chất ta cần đặc biệt lưu ý đến vai trò của magie, canxi, natri và kali trên chức năng của cơ tim. Kali ảnh hưởng đến điện thế của màng tim, nếu ở mức thấp có thể gây loạn nhịp tương đối, trong khi ở mức cao dẫn đến các rối loạn nhịp tim gây tử vong.
Đối với hoạt động của tim và mạch máu, canxi làm co cơ trong khi đó magie có tác dụng làm giãn. Đồng thời Magie có vai trò trong việc hấp thu các chất điện giải như canxi, kali vào trong tế bào để đảm bảo cho sự dẫn truyền thần kinh – tim, giúp tim tạo nhịp bình thường
Nguồn thực phẩm giàu khoáng chất có lợi cho nhịp tim bạn có thể tham khảo như:
– Các loại đậu, đậu nành, đậu đen…
– Ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, các loại hạt như hạt điều,hạt kê…
– Chuối, mơ khô, nho khô giàu Kali.
– Sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa như sữa chua, phô mai, sữa tách béo…
– Rau màu lá sẫm như rau ngót, cải canh, rau bina, rau mồng tơi…giàu Magie.
Bổ sung thực phẩm giàu Magie
2. Thực phẩm giàu acid béo Omega 3
Omega 3 mang lại nhiều lợi ích trong cơ thể đặc biệt trên vấn đề tim mạch. Omega 3 giúp giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, giảm Triglycerid, tăng lượng HDL-cholesterol nên hiệu quả phòng tránh hình thành mảng xơ vữa, đau tim và đột quỵ Omega 3 cũng ổn định huyết áp và có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa hiệu quả. Tác dụng giảm xuất hiện các cục máu đông gây tắc mạch của Omega 3 cũng được đề cập. Vì vậy những người đang dùng thuốc chống đông như aspirin, heparin, warfarin cần lưu ý trong việc bổ sung các thực phẩm này.
Các thực phẩm giàu Omega 3 phong phú trong tự nhiên như:
– Các loại dầu cá, các biển như cá thu, cá hồi, các ngừ, cá trích….Theo khuyến cáo cuat Hội Tim mạch Mỹ chúng ta nên ăn cá 2 lần/tuần để bổ sung Omga 3.
– Hạt óc chó, hạt lanh, hạt điều, hạt chia, việt quất, các loại rau màu xanh đậm như cải bó xôi, súp lơ, rau bina…
Bổ sung thực phẩm giàu Omega 3
3. Thực phẩm tăng độ bền của thành mạch
Các tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa…làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ cũng như mức độ nặng hơn các bệnh lý trên tim mạch làm rối loạn chức năng và cấu tạo tim. Một trong số đó gây nên trường hợp loạn nhịp. Vì vậy lựa chọn các thực phẩm giúp bền mach máu, điều hòa huyết áp…cũng có lợi giúp nhịp tim ổn định hơn.
– Bổ sung vitamin C, vitamin E, beta caroten tăng khả năng chống viêm, oxy hóa…giúp mạch máu dẻo dai hơn. Vitamin C còn giảm tần suất xuất hiện của cơn rung nhĩ đen 85%. Bạn có thể làm điều này bằng cách ăn các loại thực phẩm như cam, cà chua, chuối, khoai tây…
– Nên tập thói quen ăn nhạt: Tỷ lệ cân bằng giữa Natri/kali có vai trò ổn định huyết áp, kali làm giảm huyết áp và natri làm tăng huyết áp. Thêm vào đó, bạn ăn quá mặn sẽ làm máu đặc hơn, khi di chuyển ép lên thành mạch máu làm tăng huyết áp. Mỗi ngày không nên ăn quá 1,5-2,3g muối Natri và có thể thay thế việc dùng muối khi chế biến thức ăn bằng các gia vị như quế, hồi, thảo quả…
Nên ăn giảm muối phòng ngừa rối loạn tim mạch
4. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm nhiều chất xơ
Trong rau củ quả chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tim mạch. Chúng còn giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, chống viêm,…
– Theo nghiên cứu đưa ra nếu hàng ngày bẹn bổ sung khoảnh 800g rau củ, trái cây sẽ giúp giảm 28% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm 31% trường hợp tử vong sớm.
– Chúng còn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, kiểm soát lượng chất béo không tốt như triglycerid, cholesterol hấp thu vào cơ thể, khắc phục tình trạng mỡ máu, tăng huyết áp…
– Rau củ quả bổ sung vitamin K còn giúp ngăn tim đập nhanh, phì đại tim. Tuy vậy vẫn cần cẩn thận trên bệnh nhân dùng các thuốc chống đông vì có thể làm giảm tác dụng.
Các loại rau củ, trái cây mà người rối loạn nhịp tim nên ăn như táo, lê, cam quýt, măng tây, kiwi, ớt chuông, việt quất, các loại rau có lá xanh như rau bina, bông cải xanh…
Bổ sung nhiều hoa, quả, rau xanh
II. Người bị rối loạn nhịp tim không nên ăn gì?
Bên cạnh các nhóm thực phẩm tốt cần bổ sung thì cũng có một số thực phẩm mà người bệnh tim mạch, loạn nhịp tim cần tránh, hạn chế sử dụng.
1. Thực phẩm chứa nhiều chất béo không tốt
– Hạn chế các loại thực phẩm quá nhiều đạm, chất béo bão hòa, cholesterol cao như các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, các loại hải sản…Nên bổ sung protein từ các nguồn thịt trắng như thịt gà, cá, protein từ thực vật.
– Sử dụng các loại dầu tốt như dầu thực vật, dầu oliu…Không nên sử dụng mỡ động vật để chiên, xào, nấu thức ăn.
– Tránh ăn nhiều đồ chiên rán, nhiều giàu mỡ. Ưu tiên lựa chọn thực phẩm chế biến bằng cách hấp, luộc để giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn vừa hạn chế hấp thu các chất béo không tốt phát sinh do chế biến.
Hạn chế các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ
2. Thức ăn và đồ uống có muối, đường
Nên cắt giảm lượng muối và đường trong các món ăn cũng như trong quá trình chế biến bởi vì đường, muối cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn nhịp tim. Không nên ăn nhiều đồ ăn đóng hộp, đồ chế biến sắn, đồ muối… vì chúng ta không thể kiểm soát được lượng gia vị thêm vào.
3. Các chất kích thích
Các loại nước tăng lực, đồ uống, thực phẩm chứa nhiều caffeine, taurine…không nên lạm dụng trên người có vấn đề tim mạch do có thể năng làm tăng huyết áp, làm bạn tăng hồi hộp và làm tim đập nhanh hơn. Vì vậy bạn nên hạn chế tiêu thụ cà phê, nước tăng lực, các loại trà…tránh nhịp tim tăng cao bất thường.
Hạn chế uống Cà phê
4. Rượu, bia và các đồ uống có cồn
Rượu bia khi sử dụng quá nhiều sẽ gây tổn thương tế bào cơ tim, khiến tim đập nhanh hơn để tiêu thụ, tăng hồi hộp và dẫn đến loạn nhịp tim. Vì vậy nên hạn chế, sử dụng ở mức độ vừa phải để đảm bảo cho sức khỏe.
Một chế độ ăn lành mạnh giúp bạn khỏe hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống, phòng ngừa nhiều biến cố tim mạch có thể xảy ra nhất là những người có bệnh lý sẵn như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu…Bạn có thể nhờ các chuyên gia tư vấn để lựa chọn cho mình một chế độ phù hợp nhất để kiểm soát tình trạng rối loạn nhịp tim hiệu quả nhất.