Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Sữa bò được coi là vị cứu cánh của các bà mẹ bởi vì nó không chỉ là nguồn giàu vitamin và khoáng chất đối với sự phát triển của trẻ mà còn giúp các bà mẹ tiết kiệm thời gian chăm con. Nhưng đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, dường như công cuộc này trở nên khó khăn và gian nan hơn. Dưới đây là chia sẻ của chúng tôi về chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ dị ứng đạm sữa bò, giúp các bậc phụ huynh có thể chăm sóc con một cách tốt nhất.
Table of Contents
I. Hiểu đúng về dị ứng đạm sữa bò?
Dị ứng sữa bò là tình trạng hệ miễn dịch có đáp ứng bất thường với protein trong sữa qua trung gian IgE hoặc không qua IgE.
– Dị ứng qua trung gian IgE sẽ diễn ra nhanh chỉ sau vài phút đến 2 giờ.
– Dị ứng không qua IgE sẽ cho phản ứng chậm sau 48 giờ – 1 tuần nên rất khó tiên lượng.
Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò mức độ nhẹ sẽ có triệu chứng như nổi mày đay, phát ban, dị ứng, sưng phù, nặng hơn có thể gây khó thở, mất ý thức, thậm chí có thể gây shock phản vệ. Nếu không khám kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Vậy nên, cha mẹ cần phải loại bỏ sữa bò ra khỏi chế độ ăn của trẻ nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
II. Công thức dinh dưỡng đặc biệt dành cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò
1. Trẻ dưới 6 tháng tuổi
Đối với sự phát triển của trẻ, không thể phủ nhận tầm quan trọng của sữa mẹ. Bởi đây là loại thức ăn tốt nhất đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Đồng thời, sữa mẹ còn là nguồn cung cấp kháng thể, giúp phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy và các bệnh khác nữa. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo: Trong 6 tháng đầu nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Đồng thời cho trẻ bú tiếp sữa mẹ đến khi 2 tuổi nhưng có kết hợp bổ sung các chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác.
Trong trường hợp trẻ bú sữa mẹ nhưng có dấu hiệu dị ứng, bác sĩ có thể nghi ngờ là do dị ứng đạm sữa bò. Bác sĩ có thể tư vấn để thay đổi chế độ ăn, loại bỏ thực phẩm có chứa protein sữa bò như sữa tươi, phô mai,… Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc có hoặc không loại bỏ trứng và đậu nành. Với chế độ ăn này, cơ thể người mẹ cần bổ sung thêm Calci và vitamin D.
Một số thực phẩm chứa đạm sữa bò
Trong trường hợp mẹ không đủ sữa cho con bú, phải dùng sữa ngoài hãy lựa chọn công thức đạm sữa bò thủy phân hoặc sữa công thức amino acid. Các bậc phụ huynh có dựa vào những dấu hiệu in trên bao bì hộp sữa sau đây để lựa chọn loại sữa phù hợp:
– “Hypoallergenic formula”: Công thức giảm dị ứng.
– “Extensively hydrolyzed formula”: Công thức thủy phân tích cực hoặc thủy phân hoàn toàn.
– “Amino acid-based formula”: Công thức sữa bổ sung acid amin.
“Partially hydrolyzed” là công thức sữa thủy phân một phần. Nếu thấy dòng chữ này xuất hiện trên bào bì hộp sữa thì không nên sử dụng cho trẻ có chuẩn đoán dị ứng đạm sữa bò.
Không tự ý sử dụng các loại sữa động vật khác như sữa dê, sữa cừu để thay thế sữa bò. Bởi vì, trẻ dị ứng protein sữa bò có thể dị ứng chéo với đạm sữa của các loài động vật khác.
2. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Ngoài việc sử dụng sữa, bổ sung các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn là rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc “dị ứng thứ gì phải tránh thứ đó”.
Trong sữa công thức hay các thức ăn dặm thường có chứa đạm sữa bò với các tên gọi khác nhau sữa tươi, sữa bột, đạm whey, bơ, phô mai, đạm casein, whey protein,… Do đó, khi lựa chọn sữa và các thức ăn cho trẻ, các mẹ nhớ lưu ý xem kỹ thành phần công thức sản phẩm.
Một số các thực phẩm không ghi kèm trong bảng thành phần nhưng được sử dụng hoặc nấu chung với sữa, cần thận trọng khi dùng cho trẻ. Ví dụ như: Bánh bông lan, bánh quy, súp bí đỏ, súp ngô, sinh tố, chè,…
Trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ, lưu ý không thêm vào thức ăn các sản phẩm chứa sữa bò.
Không phải trẻ dị ứng sữa bò nào cũng dị ứng với thịt bò nhưng cần cẩn thận khi cho trẻ ăn thịt bò. Tốt nhất, hãy xin thêm tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý cho trẻ dị ứng đạm sữa bò.
3. Nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng chung cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
Cũng giống với bao đứa trẻ bình thường khác, trẻ dị ứng sữa bò cũng cần phải có chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và năng lượng để đảm bảo cho các hoạt động thường ngày.
Đảm bảo trong chế độ ăn của trẻ phải có đủ 4 nhóm chất gồm bột đường, chất đạm, béo, xơ và vitamin. Đối với những trẻ có thể trạng gầy yếu, còi xương, suy dinh dưỡng nên xin lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các mẹ cho trẻ ăn dặm nhiều hơn, kết hợp với việc bổ sung Calci, vitamin D từ thực phẩm trong trường hợp gặp khó khăn với việc dùng sữa thay thế. Do giá tiền đắt đỏ, không tìm được địa điểm uy tín để mua hoặc bé không chịu uống do mùi vị khó chịu.
Các mẹ thường than phiền rằng bé không chịu uống sữa thủy phân do sữa rất đắng và hôi, còn sữa công thức amino acid có mùi vị dễ chịu hơn nhưng giá rất đắt. Vậy, đối với những bé không chịu uống các loại sữa trên, có thể lựa chọn sữa hạt hoặc sữa thực phẩm hữu cơ để thay thế. Bởi vì, các loại sữa này vừa cung cấp đủ protein, acid béo (Omega 3), vitamin và khoáng chất cần thiết lại còn bổ sung thêm chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, giảm nguy cơ táo bón.
III. Bật mí cách chung sống hòa bình dị ứng đạm sữa bò
Để khắc phục chứng dị ứng sữa bò ở trẻ, các mẹ nên tham khảo những lời khuyên của các chuyên gia y tế dưới đây:
– Dùng đạm sữa bò thủy phân hoàn toàn hay sữa công thức axit amin là cách hữu hiệu để thay thế cho sữa bò. Nên cho trẻ đến khám và xin tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng để lựa chọn loại sữa phù hợp.
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thêm các thực phẩm giàu Calci, đạm, vitamin ngoài sữa như: Cải bó xôi, bông cải xanh,…
– Không sử dụng các chế phẩm có chứa sữa bò như phô mai, sữa chua,…
– Đọc kỹ thành phần xem có chứa sữa bò không trước khi mua thực phẩm hay thuốc cho bé.
Do đó, để trẻ phát triển khỏe mạnh và phát triển toàn diện, các bậc phụ huynh hãy chú ý đến chế độ ăn của trẻ để tránh nguy cơ xảy ra tình trạng dị ứng đạm sữa bò. Phương pháp sử dụng sữa thay thế có thể giải quyết được phần nào nỗi lo của các bà mẹ khi chăm con.